Breaking News

Về Cà Mau thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo

08/01/2016   09:07
Lẩu mắm U Minh, mắm ong rừng, ba khía, tôm khô, rùa rang muối...là những món ngon đặc trưng khó có thể cưỡng lại được khi đến vùng đất này.


Mắm ong rừng




Ở Cà Mau, cứ đến mùa ong mật, người dân gác kèo ong dùng dao bén cắt phần tổ vắt lấy mật. Trong tổ có những con ong còn non bé xíu mũm mĩm, mềm béo thơm ngon. Quanh đi quẩn lại xưa nay loại ong này chỉ để nấu cháo, xào mỡ hay kho khô... Ăn hoài cũng ngán nên nhiều người nghĩ ra cách chế biến món ăn mới cho lạ miệng, “lai rai” cho đỡ buồn, chưa kể dự trữ được lâu hơn. Thế là món mắm ong ra đời.

Dùng đũa gắp miếng mắm ong rừng kẹp thêm miếng dưa leo, chuối chát, lá cóc cho vào miệng nhai chậm rãi sẽ cảm nhận vị mềm béo, thơm của ong, chua nhẹ của mắm và lá cóc, chát chát của chuối, giòn giòn của dưa leo… cùng mùi thơm đặc trưng của thính lan tỏa.

Không chỉ ngon cơm, mắm ong rừng còn được nhắm với rượu đế càng "bắt".

Chú thích: Đĩa mắm ong rừng và các loại rau ghém ăn kèm.

Gỏi nhộng ong



Sáp nhộng ong thường được thợ lấy trong rừng đem về, làm thành nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là gỏi nhộng. Đầu tiên, người ta nhúng sáp nhộng ong vào nước sôi để làm sạch, sau đó phi hành thật thơm, thả sáp nhộng ong vào đảo thật đều, nêm nếm gia vị vừa phải gồm tiêu, đường, nước mắm rồi múc ra để riêng.

Vị bùi, ngậy của nhộng ong kết hợp cùng vị chua, cay của chén nước mắm chua ngọt tạo nên món gỏi nhộng ong hấp dẫn

Tiếp đó họ sẽ lấy bắp chuối bào mỏng, cho thêm chút giấm, trộn cùng đậu phộng, hẹ, rau thơm xắt nhỏ và cho tất cả vào phần sáp nhộng ong đã được chế biến.

Cuối cùng pha chén nước mắm chua ngọt đổ lên trên. Sự kết hợp giữa vị bùi, ngậy của nhộng ong cùng các vị chua, cay tạo thành món ăn thú vị.

Rạm rang me



Rạm tuy hình dạng nhỏ con, xấu xí nhưng được những người “sành ẩm thực” rất ưa chuộng (hơn cua đồng) vì thịt rạm mềm, ngọt, béo, giòn (có thể nhai luôn cả vỏ), nhiều gạch. Ngoài ra, đáng kể nhất là phần trứng rạm. Chính cái phần nhơn nhớt đen bóng kết dính bởi những hạt nhỏ li ti nằm phía trong yếm rạm cái khi nấu chín sẽ trở thành một khối dẻo màu đỏ gạch có vị béo, thơm ngon vô cùng!.

Rạm chế biến món nào cũng ngon như: nấu canh rau ngót, xào mặn, nướng chấm muối ớt, lăn bột chiên giòn…; nhưng món được các “đấng mày râu” ưa thích nhất vẫn là: Rạm rang me.

Cá nâu muối sả ớt chiên





Cá nâu là loại cá thích nghi được cả môi trường nước mặn lẫn nước ngọt. Vào mùa mưa, cá vào bờ để sinh sản, khi nước rút dẫn đàn con “di cư” ra biển lớn trú ngụ nơi các rạn san hô để sinh trưởng. Cá nâu có hình dạng tròn dẹt, da màu vàng nhạt, trên thân có những đốm đen tròn như da beo.

Cá nâu thịt béo, ngọt, thơm ngon, ít xương, có nhiều chất dinh dưỡng nên được các bà nội trợ miền Tây nói chung và vùng đất Mũi ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như chiên tươi, nướng muối ớt, kho mẳn, nấu lẩu, v.v... Nhưng ngon nhất là món cá nâu muối sả ớt chiên.

Tôm khô Cà Mau




Tôm khô Cà Mau nổi tiếng là tôm khô Rạc Gốc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hàng năm cứ vào tháng 11 âm lịch là bà con tại Rạch Gốc lại vào mùa làm tôm khô. Để sản suất ra được những con tôm khô ngon, chất lượng, ngày xưa bà con thường luộc rồi phơi thủ công, nhưng ngày nay, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy sấy để con tôm đảm bảo độ ngon ngọt.
Tôm khô có nhiều loại to nhỏ khác nhau. Loại to dùng để làm nộm, xào. Loại nhỏ để nấu canh và rim kho quẹt. Giá mỗi kg tôm khô ở Cà Mau dao động từ 450 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng tùy vào kích cỡ con tôm.
Cá kèo khô



Cá kèo khô luôn có trong danh bạ những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. Vùng bán đảo Cà Mau nổi tiếng nhiều cá kèo với câu nói cửa miệng "cá kèo nổi như mù u rụng".
Trong trí nhớ của những người dân Cà Mau, ngày xưa hàng năm cứ vào mùa mưa, cá kèo lại nổi lên đầy khắp các kênh rạch. Đây là mùa đánh bắt cá kèo rộ nhất trong năm. Nhưng hiện nay, cá kèo tự nhiên hiếm hơn nên nhiều bà con nông dân đã thả trong vuông đầm nhà mình.
Cá kèo khô nướng lên ăn với cơm trắng hay dùng với cháo trắng thì không thể chê vào đâu được.
Mắm cá lóc



Cá lóc miền Tây là đặc sản nổi tiếng khắp nơi nhưng cá lóc Cà Mau để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó quên.
Cá lóc Cà Mau là cá tự nhiên, được người dân thả trong các đầm, vuông và họ thu hoạch hàng năm. Cá lóc không to, chỉ 2 – 3 lạng/con sẽ được người dân dùng để làm mắm.
Mắm cá lóc rất ngon, dù ăn sống hay chưng với thịt. Còn nếu dùng làm lẩu ăn chung với rau và một số loại rau rừng khác thì chỉ ăn một lần là không sao quên được mùi vị đặc trưng.
Ba khía

Ba khía Rạch Gốc là đặc sản đã có thương hiệu vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả.
Khoảng tháng 7, 8 âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.
Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được.
Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc với sả và ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt, gồm sả băm nhuyễn trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn.
Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm là một món ăn không thể quên đối với du khách.
Lẩu mắm U Minh

Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẩu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả băm mịn, phần gốc sả đập dập cho vào lẩu. Để cho nước lẩu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẩu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng.
Ngoài cá ra, lẩu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi. Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẩu mắm là được thưởng thức rất nhiều loại rau đồng. Lẩu mắm là món quy tụ nhiều loại rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẩu mắm.
Đặc biệt, lẩu mắm của xứ U Minh không thể nào thiếu đọt choại, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác… Người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, rất nhiều lọai rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh.
Rùa rang muối



Rùa là một loại động vật hoang dã có rất nhiều ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Có nhiều loại rùa, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém nhưng ngon nhất là rùa vàng, kế đến là rùa nắp, không có thì “xài đỡ” rùa quạ, đừng ăn rùa hôi hay rùa dém thì đúng như cái tên của nó, ngửi mùi là thấy không ngon rồi.
Trước đây rùa sống trong tự nhiên rất nhiều, người dân Cà Mau tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng nên chính quyền tỉnh Cà Mau đã cấm săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên mà chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như người ta nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu vậy). Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.
Chả trứng mực đất Mũi

“Câu mực tuy cực mà vui/Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài”. Trứng mực có gì quyến rũ các ngư phủ đến nỗi trở thành ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng. Người nội trợ trứ danh nào sáng chế món ăn này đến giờ chưa ai biết. Dù vậy, dân câu mực vẫn cứ “lui cui câu hoài” để vừa có tiền lại vừa đáp ứng nhu cầu “khoái ăn trứng mực” của mình, của người.
Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Cuốn từng cuốn, chấm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh. Món đặc sản này đem đến cho người ăn cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào.
Thường những miếng chả trứng mực đặc biệt này, người dân quê biển Cà Mau dành đãi khách phương xa. Nó cũng là món quà quý dùng gửi tặng bà con quyến thuộc tha phương kiếm sống, ăn để mà ngậm ngùi thương nhớ quê nhà.
Vọp nướng chấm muối tiêu

Món ăn này vừa mang hương vị đặc biệt, vừa mang niềm vui bất tận cho khách tứ phương. Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm.
Lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, sắp vào đĩa. Gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Đặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Khi tiệc đến lúc nào hứng thì món vọp nước sẽ làm cho rôm rả hết ý. Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo.
Cá lóc nướng trui

Là món ăn dân dã, dễ làm và đặc trưng cho miền sông nước Nam Bộ nhưng cá lóc nướng trui lại có một hương vị vô cùng độc đáo.
Cá khi vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, dùng que tre xuyên cá từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vừa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me, cuốn với bánh tráng, rau thơm các loại ăn thì rất tuyệt.
Tôm tít



Tôm tít là quà đặc biệt của biển dành riêng cho bạn bè từ đất liền ra thăm Cà Mau. Thịt tôm tít vừa ngon, ngọt, hiền lành vừa đậm đà hương biển, khác xa với mùi vị của tôm sú và tôm hùm.
Để có một bữa tiệc tôm tít thật hấp dẫn, trước hết phải có rượu ngon và chọn cho được những con tôm còn nhảy. Con càng lớn càng giá trị. Loại 4-6 con/kg mới thật sự là “đẳng cấp”.
Thịt tôm tít đỏ hồng, mùi phưng phức, mềm mại nhưng không bở. Dân sành điệu dùng món này thường kèm thêm rau sống, cà chua, chuối chát, dưa leo và nếu như có thêm chút mù tạt càng ngon. Thịt tôm nếu đem cuốn với bánh tráng rau sống chấm nước mắm chua – cay, chưa chắc có món cuốn nào bì kịp. Nếu như có thêm chai rượu đế hoặc vài lon bia thì bữa tiệc càng thêm hứng thú.
Chuột đồng chiên sả ớt



Các món ăn từ chuột đồng là món đặc sản đặc trưng của đồng ruộng miền Tây. Món ăn dân dã này được chế biến thành nhiều món khác nhau và một trong những kiểu chế biến ngon nhất là chiên sả ớt.
Cá rô chiên xù



Cá rô được làm sạch, chiên nguyên con trong chảo nóng. Cá chín vớt ra để ráo dầu để lên dĩa kèm rau xanh. Món cá rô chiên xù có giá 90.000 và du khách có thể dùng thử tại canteen rừng U Minh Hạ. Thịt cá giòn ngọt chấm nước mắm gừng cuốn bánh tráng, rau rừng ngon tuyệt cú mèo.
Lươn um rau ngổ


Là một món ăn giàu dinh dưỡng, thơm ngon mà không ngán
Lươn nguyên con làm sạch, chặt làm ba khúc nấu với gia vị riêng và nước dừa tươi tạo vị bùi béo thơm ngon rất đặc trưng.
Bánh tầm gà cay



Người Cà Mau kết hợp món bánh tầm với cà ri gà thành một món ăn đặc trưng của miền đất phương nam này. Đĩa bánh tầm được chan nước cà ri gà thêm phần thịt, mề và huyết được băm nhỏ chan lên ăn kèm với rau sống.
Bún bì

Cọng bún tươi được làm to hơn sợi bún bình thường, dai dai kết hợp với bì thịt và miếng chả lụa. Một đĩa bún bì giá 25.000 tại quán Bún nước lèo - bún bì Huỳnh Long, ăn rất ngon miệng và nhẹ bụng, không gây ngán và lạ miệng.
Cua đá rang muối

Cua đá rất chắc thịt, tách từng thớ thịt cua nhâm nhi lẫn với vị muối thật ngon tuyệt. Có thể thưởng thức cua đá rang muối ở các quán dưới chân cầu Gành Hào.
Cá thòi lòi nướng muối ớt

Cá thòi lòi là loại cá đặc trưng của vùng ngập mặn, người dân còn gọi là cá leo cây. Loài cá này hình dáng kì dị nhưng thịt ngọt thơm, mềm mại. Cá thòi lòi có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn nhưng ngon nhất là cá thòi lòi nướng.
Thịt cá thòi lòi không mỡ nên khi nướng cá thường được phết thêm bên ngoài chút mỡ nước để nướng cho khỏi cháy. Nướng cá trên lửa than hồng, cá chín mùi rất thơm.
Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội

Popular Posts