Breaking News

Chuyện Đức Phật hóa độ đại tướng quân Sīha

Lúc bấy giờ đức Phật đang cùng hội chúng cư ngụ tại Vahāvana (Đại lâm), giảng đường Kūtāgārasāla (Trùng Cát), vương quốc Vesāli (Tỳ Xá Ly), của người dân Licchavi.
Tướng quân Sīha là một bậc anh hùng của dân tộc Licchavi, người đã góp công sức cực kỳ to lớn cho sự bình yên của đất nước trong những lần chống giặc ngoại xâm, là người nắm trong tay quân đội của triều đình và cũng là vị tướng được người người ái mộ vì nhân cách và tấm lòng của ông đối với vua chúa và người dân.
Tuy nhiên, đại tướng Sīha lại là một đệ tử của du sĩ Niganthā Nātaputta thuộc phái ngoại đạo Ni-kiền-tử, đại tướng là người cung phụng các vị ngoại đạo này với đầy đủ các vật thực cao quý, luôn làm thỏa mãn ước nguyện của họ, họ xem gia trang của đại tướng như là một dòng suối vật thực tốt lành mà bất cứ khi nào họ đến đều được thọ nhận đầy đủ.
Ngày Sīha đến đảnh lễ Niganthā Nātaputta xin làm đệ tử để tìm một chỗ nương tựa tinh thần thì các du sĩ ngoại đạo này đã đi khắp các nẻo đường trong thành Vesāli với dáng vẻ cao ngạo tuyên bố rằng:“Đại tướng quân Sīha hôm nay đã trở thành đệ tử của giáo phái chúng ta, đó là một sự lựa chọn sáng suốt và chỉ có chúng ta mới là cao quý, là tối thượng để làm thầy của một vị đại tướng..”. Nhờ sự việc đó mà danh tiếng của Ni-kiền-tử được nhân lên đôi phần.
Một lần nọ, trong lúc cải trang thành dân thường đi thị sát dân tình, đại tướng Sīha dự vào một hội chúng gồm toàn là các vị vương tử nổi tiếng Licchavi  đang tụ họp tại một ngôi nhà và bàn luận sôi nổi. Đề tài mà họ đàm luận với nhau là sự cao quý tối thượng của đức Phật và chư Tăng; họ đã tán thán Phật với đầy đủ những nhân cách cao thượng và kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện đức Phật đã làm mà chính họ được thấy và được nghe.
Họ nói rằng: “đức Phật với tâm từ bi vô ngại, dùng tình thương cảm hóa mọi loài, dùng thiện pháp để thắng ác pháp, dùng không hành động để thắng lại những kẻ hành động”…Đại tướng Sīha im lặng ngồi nghe chăm chú và vô tình bị cuốn hút vào những câu chuyện ấy lúc nào không hay biết, và rồi những sự chấn động mạnh nơi tâm thức, hạt giống thiện lành được tưới tẩm, niềm tôn kính Phật vô biên cuồn cuộn nổi lên, ông thốt lên:
Không còn nghi ngờ gì nữa, đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong ngôi nhà rộng lớn, đều tán thán đức Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng bằng nhiều phương thức; có lẽ ta nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy!
Rời bỏ hội chúng các vương tử Licchavi, đại tướng Sīha đi đến tìm vị thầy của mình, du sĩ Niganthā Nātaputta để thoái pháp (không làm đệ tử nữa), với mới đích nói lời cảm ơn và từ giã trước khi đến quy y với đức Phật.
Vừa gặp Niganthā Nātaputta, đại tướng Sīha vội vàng đảnh lễ và thưa:
– Thưa Ngài, tôi muốn đi đến để diện kiến Sa-môn Gotama (đức Phật).
Niganthā Nātaputta nghe xong như sét đánh ngang tai, tinh thần rối loạn; lo lắng bị tuột mấy người đệ tử uy quyền và cũng sợ hãi việc mất “dòng suối vật thực” lâu nay. Với nhiều dẫn dụ tinh xảo, và rồi Niganthā Nātaputta đã nói với đại tướng Sīha rằng:
– Này Sīha, ngươi là người theo thuyết hành động (người đại tướng huấn luyện võ thuật cho quân đội), sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về “không hành động”? Này Sīha, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và dạy dỗ các đệ tử với điều ấy…Sa-môn Gotama là người thuyết về lòng từ bi và dạy dỗ đệ tử về lòng bi, không được phép sát hại, còn ngươi, ngươi là một đại tướng,giữa quân trận, ngươi không được phép từ bi, nếu từ bi – ngươi sẽ bị kẻ thù giết chết…và muôn vàng lời lẽ tinh xảo như vậy, Niganthā Nātaputta cứ liên tục dồn ép tướng quân Sīha.
Bị đổ ngã bởi những lời tinh xảo của Niganthā Nātaputta, tâm bồ đề của đại tướng Sīha tan biến, đại tướng đứng dậy đảnh lễ Thầy và hứa sẽ không bỏ Thầy nữa. Ông ra về mà trong lòng không còn một ý niệm nào về đức Phật giống như trước khi ông đến.
Lần thứ hai, cũng sự việc y như lần trước, đại tướng Sīha cũng đi thị sát, cũng nghe được những lời tán thán Phật…ông đi đến từ giã Niganthā Nātaputta, rồi cũng bị đổ ngã bởi những lời tinh xảo…
Đến lần thứ ba, các vương tử nổi tiếng dòng Licchavi tụ hội lại ngồi chung trong một ngôi nhà rộng lớn, rồi tán thán đức Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng bằng nhiều phương thức.
Đến lần thứ ba này, tướng quân Sīha đã khởi lên ý nghĩ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử nổi tiếng dòng Licchavi này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà lớn, đều tán thán đức Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng bằng nhiều phương thức.
Những người Niganthā dầu có được hỏi ý kiến hay không được hỏi ý kiến, thì sẽ làm được gì đối với ta? Giết ta chăng? Các vị đó không có khả năng như vậy! Bôi xấu ta chăng? Nếu bôi xấu ta, chính các vì ấy sẽ trở nên xấu xa gấp bội! Nguyền rủa ta chăng? dân chúng sẽ nguyền rủa lại họ! Có lẽ ta không cần hỏi ý kiến các Niganthā và nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy!”
Sau đó, tướng quân Sīha cùng với năm trăm cỗ xe đã rời thành Vesāli vào ban ngày để đến diện kiến đức Phật. Sau khi đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, tướng quân Siha đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Phật rồi ngồi xuống ở một bên, tướng quân Siha đã thưa:
– Bạch Ngài, con được nghe rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và dạy dỗ các đệ tử với điều ấy.” Bạch ngài, phải chăng những người ấy nói đúng về đức Thế Tôn, không gièm pha đức Thế Tôn với sự sai trái, và tuyên bố về pháp phù hợp với pháp của Ngài không? Và có phải bất cứ người nào sống theo pháp ấy đều không có cơ sở để chê bai?” Bạch Ngài, con đến đây thật tình không có ý điều tra hay lên án đức Thế Tôn, mà chỉ muốn thưa hỏi những gì mình phân vân trong lòng.
Đức Phật với tâm từ vô lượng, Ngài nhẹ nhàng xác nhận những gì đại tướng Sīha nghe được là đúng sự thật và Ngài còn giảng rõ:
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy?” Này Sīha, bởi vì ta giảng về không hành động của thân làm ác, của miệng nói ác, của ý nghĩ ác; ta giảng về không hành động của các pháp ác bất thiện có rất nhiều dạng…
Nhận thấy tướng Sīha lãnh hội được giáo pháp cao hơn, đức Phật tiếp tục giảng về pháp đoạn diệt, pháp bất tịnh, pháp thiêu đốt, pháp thoát khỏi bào thai, pháp tự tin; đại tướng Sīha như được tắm mình trong một trận mưa pháp mát mẻ và thanh lương, lòng dâng trào niềm tôn kính Phật vô biên, tâm trí khai mở, thần sắc tươi sáng, cảm nhận sự tối thượng của đức Phật, ông vội vàng sụp lạy và tha thiết xin Phật nhận ông làm đệ tử tại gia.
Tuy nhiên, Phật không nhận lời:
Này Sīha, ông hãy suy xét, hãy suy xét thật kĩ quyết định của mình; với một người nổi tiếng như ông, việc suy xét trước khi quyết định việc gì là một thiện pháp tốt đẹp bắt buộc cần phải có!
Đại tướng Sīha lại vô cùng xúc động:
– Bạch Thế Tôn, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy suy xét, hãy suy xét thật kĩ quyết định của mình; với một người nổi tiếng như ông, việc suy xét trước khi quyết định việc gì là một thiện pháp tốt đẹp bắt buộc cần phải có.”
Bạch Ngài, bởi vì các ngoại đạo sau khi thâu nhận con làm đệ tử có thể vác cờ đi khắp cả Vesali (rêu rao) rằng: “Tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi!” thế mà đức Thế Tôn đã nói với con những lời hoàn toàn khác hẳn, Ngài dạy con phải suy xét thật kĩ. Bạch Ngài, lần thứ hai, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Lần thứ hai đức Phật từ chối chấp nhận đại tướng Siha làm đệ tử tại gia, Phật ôn tồn nói:
– Này Sīha, lâu nay gia đình ông là dòng suối vật thực cho những người Nigantha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người Nigantha đã đi đến nhà ông mọi ngày. Nếu ông không cúng dường vật thực cho họ nữa, ông có thấy điều gì bất ổn không?
Đại tướng Siha lại tha thiết lần thứ ba:
– Bạch Thế Tôn, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, lâu nay gia đình ông là dòng suối vật thực cho những người Niganthā, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người Niganthā đã đi đến nhà ông mọi ngày…”.
– Con đã được nghe điều này từ các vương tử Licchavi: “đức Phật đã dạy rằng: “Vật thực nếu được dâng cúng đến Như Lai và đệ tử của Như Lai thì người đó sẽ được phước báu tối thượng; nếu vật thực được dâng cúng đến ngoại đạo và các đệ tử của ngoại đạo thì không được phước báu mà còn bị tổn phước nhiều hơn, vì ngoại đạo đã không lao động chân chính để tự tạo lập cuộc sống cho mình, mà còn hành tà pháp, rồi dẫn dắt chúng sinh vào đường mù quáng, nếu cung phụng vật thực cho họ như là một hành động hỗ trợ cho họ tiếp tục hành tà pháp ấy nữa”, vậy mà hôm nay đức Thế Tôn dạy con phải dâng cúng vật thực cho những người Niganthā như lâu nay con vẫn làm, thế nhưng giờ đây lòng con đã vững vàng, con đã có quyết định của mình. Bạch Ngài, lần thứ ba, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Sau ba lần thưa thỉnh và hai lần từ chối, đức Phật biết được tâm bồ đề của đại tướng Sīha đã kiên cố, Ngài chấp nhận cho tướng Sīha quy y trở thành một cận sự nam trong giáo đoàn của Ngài. Cũng ngay hôm đó, đức Phật đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Ngài đã giảng thuyết về bố thí, giới cấm, về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt, tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, đức Phật đã thuyết giảng bốn pháp cao thượng: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn, như một trang giấy trắng chưa hề bị lem luốc có thể dễ dàng viết lên những lời hay đẹp; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Siha, vị ấy đã thấy được Pháp và hiểu như thật rằng: “những gì được sanh ra trên đời, toàn bộ những điều ấy sẽ bị hoại diệt (định luật Nhân Duyên).”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã thưa với đức Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời; tướng quân Sīha với niềm hoan hỷ vô biên, đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi cung kính lui ra ngoài.
(Chương VI: Bhesajjakkhandhakam (Dược phẩm), Mahavagga, Vinaya Pitaka)
Vạn Thiền
Nguồn Phật Giáo Việt Nam Online

Popular Posts