Chuyện tình công chúa triều Nguyễn với một nhà sư
Thời nhà Nguyễn, có một nàng công chúa đem lòng yêu một nhà sư. Mối nghiệt duyên giữa công chúa và nhà sư đi đến cái kết bi thảm, khiến người đời đau lòng.
Chuyện tình yêu giữa một vị nhà sư thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt sau được phong là Quốc sư với nàng công chúa triều Nguyễn là Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã để lại nhiều huyền tích bí ẩn khiến người đời có nhiều thắc mắc, nghi ngờ...
Ngày nay, dấu tích của mối tình có một không hai trong cung đình này vẫn còn lại dấu ấn là di tích chùa Đại Giác, nó còn gắn với câu chuyện tình cảm giữa một Thiền sư và Công chúa nhà Nguyễn mà dân trong vùng ai cũng được nghe kể, thậm chí là truyền tụng với nhiều tình tiết bí ẩn huyền hoặc.
"Thiên đường tình yêu" của nàng công chúa nhà Nguyễn ngày ngóng đêm mong ấy chính là chùa Đại Giác, còn gọi là Đại Giác cổ tự, chùa Phật lớn hay chùa Tượng, xưa kia thuộc thôn Bình Hoành xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Theo sách Thiền sư Việt Nam ghi chép rằng, Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, hiệu Liên Hoa là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư vào những năm cuối đời vì trốn tránh mối tình nhiệt huyết của nàng công chúa đã sống ở ngôi chùa này. Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo TP. Biên Hòa thì vào giữa thế kỷ 17 có ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông, từ Đàng Trong đến Đồng Nai hoằng hóa đạo Phật. |
Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679). Còn nhà sư Thành Đẳng, cùng một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).
Buổi đầu, chùa có kích thước nhỏ hẹp, được tạo dựng bằng cột gỗ, vách ván, và lợp ngói âm dương. Thời Thiền sư Tổ ấn - Mật Hoằng trụ trì, Nguyễn Thị Ngọc Anh, công chúa thứ ba của chúa Nguyễn Phúc ánh đã đến trú tại chùa và từ đây như một mối tình với người đàn ông khoắc áo cà sa.
Còn theo Tạp chí Bulleetin des Amis Vieux Hue năm 1915 chép như sau: Công chúa Ngọc Anh, chị vua (Minh Mạng) còn trẻ và tiết liệt. Khi Tây Sơn khởi nghĩa đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống cô độc, trầm tư mặc tưởng và tu hành hết sức sùng mộ.
Nhớ ơn ngôi chùa đã che chở nàng công chúa trong thời loạn lạc, đến năm Gia Long (Nguyễn Phúc ánh) nguyên niên (1802) lên ngôi, nhà vua sai quan trấn Trấn Biên cho binh thợ đến xây cất, đem tượng binh đến chở đất và dặm nền chùa (nên sau này người dân còn gọi là chùa Tượng). |
Ngoài ra, nhà vua còn dâng cúng một pho tượng Phật A-di-đà bằng gỗ mít cao 2,25m (nên có tên là chùa Phật Lớn. Hiện tượng vẫn còn được thờ tại chùa), ban y bát và sắc phong cho Thượng tọa Phật ý-Linh Nhạc làm Hòa thượng.
Mãi đến tháng 10 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), nhà vua lại cho tu sửa chùa. Vào thời gian gia cố lại ngôi cho có nhiều ân đứng với triều Nguyễn ấy thì công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh (khi ấy đã trở lại Huế), cũng gửi vào cúng một bức hoành phi lớn khắc ba chữ "Đại Giác Tự" thiếp vàng, bên mặt có khắc: "Tiền Triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh", hiện vẫn còn treo ở phía trước chánh điện.
Lúc đó, Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35 đang tu đạo tại chùa, vốn tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật nên được vua xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1813-1823) và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long. Vốn Thiền sư là người tuấn tú, đức độ, oai nghiêm đĩnh đạc, thông minh, có tài hùng biện và thuyết giảng Phật pháp rất hay nên được đông đảo phật tử mến mộ.
Thiền sư có rất nhiều đệ tử trong hoàng cung. Trong số đệ tử này có một vị Hoàng cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, đó là Thái trưởng công chúa Long Thành, chị ruột chúa Nguyễn Phúc Ánh, cô ruột của vua Minh Mạng. Hoàng cô cũng quy y và thọ Bồ Tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Trong những ngày theo học đạo, Hoàng Cô đã thầm yêu nhà sư. Do cảm mến và quá hâm mộ tài năng cũng như đức độ của Thiền sư nên Hoàng Cô đã có ý định và tìm mọi cách ràng buộc duyên trần cùng với người con của Phật.
Bi kịch tình yêu nơi cửa thiền
Nhưng bi kịch là chuyện yêu đương giữa Hoàng cô và vị Quốc sư này đương nhiên là không thể, nên Thiền sư đã chọn phương pháp "tránh duyên" bằng cách xin về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định.
Năm 1821, Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch, mượn cớ này, thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi ở lại luôn. Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nào ngờ ở hoàng cung, Hoàng Cô bỗng thấy thiếu vắng, nhung nhớ Thiền sư khôn nguôi.
Thế rồi bà tìm cớ xin phép vua vào Gia Định, gọi là để cúng dường chùa Từ Ân, nhưng thật ra là để gặp Thiền sư cho thỏa lòng nhung nhớ.
Tháng mười, năm Quý Mùi (1823), Thiền sư đang uống trà đàm đạo ở chùa Sắc Tứ Từ Ân, bỗng có tin báo Hoàng Cô vâng lệnh vua đến cúng dường chùa. Nhận được tin, Thiền sư lo âu trong dạ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Thế rồi Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt quyết định lánh mặt nên đã lên chùa Đại giác ở Cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm. Hoàng Cô ở chùa Từ Ân, không thấy Thiền sư đến tiếp kiến, hỏi tăng chúng thì mọi người đều nói là không biết thiền sư Liên Hoa ở đâu.
Không gặp được "người yêu", tâm bịnh thêm nặng nên sức khỏe Hoàng Cô ngày một sa sút trầm trọng. Sợ nguy hại cho bổn tự nên cuối cùng mọi người đành tiết lộ sự thật. Được tin này, Hoàng Cô thông báo với quan trấn Gia Định là mình lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan Tổng trấn cử phái đoàn hộ tống Hoàng Cô lên chùa Đại Giác. Sau khi đến chùa dâng lễ cúng dường và nhờ đưa đến tịnh thất của thiền sư Liên Hoa.
Hoàng cô với tâm thành kính đảnh lễ trước tịnh thất và xin gặp mặt Thiền sư lần cuối trước khi hồi kinh. Thiền sư không trả lời. Hoàng cô suy nghĩ kế khác, bèn quỳ trước cửa thất thưa rằng: "Nếu Hòa thượng không tiện ra tiếp, xin Hòa thuợng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thuợng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về". Im lặng vài phút, Thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất, Hoàng cô vội ôm bàn tay hôn một cách trìu mến, rồi sụp lạy xuống và khóc sướt mướt...
Tưởng rằng khi ôm hôn được bàn tay của Thiền sư thì mọi chuyện sẽ lắng xuống. Nhưng không ngờ, ngay đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của Thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi.
Nhục thân của thiền sư cũng cũng cháy đen. Mọi người đang bàn tán, xôn xao, có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện: "THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần/ THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần / LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn / ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần". Thiền sư Liên Hoa biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh nên đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa Hoàng Cô.
Nhưng có lẽ do duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp giữa hai người, nên ngọn lửa ấy đã không đạt được kết quả như mong muốn. Sau khi làm lễ nhập thất Hòa thượng Liên Hoa xong, Hoàng Cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽ ở lại chùa Đại giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh.
Nhưng ngay ngày hôm sau, Hoàng Cô uống độc dược quyên sinh tại hậu liêu chùa Đại giác nhằm ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823). Hoàng cô công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh chết theo Thiền sư để lại sự cảm động cho triều đình và nhân dân khắp vùng. Từ đó, ngôi chùa trở nên nổi tiếng và được các đời vua nhà Nguyễn chăm sóc đặc biệt.
Nguồn Blogkhoahoc.net