3 kiểu giao tiếp của cha mẹ dễ khiến con tổn thương IQ và EQ!
Nghiên cứu của Harvard chỉ ra, việc giao tiếp sai cách của cha mẹ khiến cấu trúc não của trẻ bị thay đổi, ảnh hưởng không tốt tới trí tuệ của trẻ.
Cha mẹ với tư cách là người thầy đầu tiên dẫn dắt các con, mọi lời nói, hành động, thói quen của cha mẹ có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành và phát triển toàn diện của con trẻ sau này. Chính vì vậy, việc giáo dục con cái được xem là một "bộ môn khoa học" đòi hỏi phụ huynh cần học tập và bồi đắp kiến thức liên tục. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn chưa ý thức được tầm ảnh hưởng của bản thân mình tới con cái mà vô tình có những hành động và giao tiếp sai cách với con.
Theo đó, nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra, việc giao tiếp sai cách của cha mẹ khiến cấu trúc não bộ của trẻ bị thay đổi, điều này ảnh hưởng trực tiếp làm giảm trí thông minh của trẻ, thậm chí khiến trẻ gặp vấn đề bất ổn về tâm lý.
Việc giao tiếp sai cách của cha mẹ khiến cấu trúc não của trẻ bị thay đổi, ảnh hưởng không tốt tới trí tuệ của các con
Con trẻ luôn tò mò, cởi mở và háo hức muốn khám phá thế giới, nếu cha mẹ có cách giao tiếp phù hợp với trẻ sẽ giúp con xây dựng được sự tự tin, dũng cảm, nâng cao khả năng quan sát, trí thông minh ở các con. Ngược lại, việc giao tiếp sai cách sẽ đem tới những hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến việc những lời nói của cha mẹ trở thành "bạo lực ngôn ngữ" với con trẻ.
Theo như nhiều nghiên cứu của giáo sư tâm lý kiêm nhà khoa học thần kinh nổi tiếng Ethan Kross của đại học Đại học Michigan cho biết, việc bạo lực ngôn ngữ có ảnh hưởng vô cùng đáng sợ, nó không hề thua kém gì việc bạo hành về thể chất, vì phản ứng với nỗi đau về mặt cảm xúc của đại não cũng "nặng nề" như nỗi đau về thể xác.
Từ những nghiên cứu này, tiến sĩ Martin Teicher thuộc Đại học Y khoa Harvard cũng cho biết, giao tiếp sai cách dẫn tới bạo lực ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới não của trẻ nhỏ, trong đó ảnh hưởng nhất tới khu hồi hải mã (Hippocampus - cấu trúc quan trọng của não bộ có tác dụng cải thiện khả năng ghi nhớ), khu thể chai (Corpus callosum - con đường chính kết nối hai bán cầu não) và khu thùy trước trán. Cả 3 khu vực này chịu trách nhiệm về quản lý cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ và việc đưa ra quyết định.
Những đứa trẻ chịu bạo lực ngôn ngữ lâu ngày cùng cách đối xử "khắc nghiệt" sẽ dẫn tới tình trạng não bộ bị thay đổi, não dần hình thành lên chế độ sinh tồn (Surviving Mode), từ đó hình thành tính cách tự ti, hèn nhát.
Những đứa trẻ như vậy sẽ luôn sống trong tình trạng cảnh giác, thiếu an toàn với mọi thứ xung quanh, lâu dần dẫn tới trì trệ trong tư duy, hành động dần trở nên chậm chạp, tiếp thu kiến thức thụ động, ảnh hưởng không tốt tới cả IQ lẫn EQ của đứa trẻ.
3 kiểu giao tiếp của cha mẹ làm tổn thương trí tuệ của con
Ngôn ngữ là con dao hai lưỡi, nó có thể đem đến cho chúng ta cảm xúc vui mừng, hân hoan, hạnh phúc, nhưng đôi khi cũng chính là thứ gieo rắc lên những mầm mống của sự sợ hãi, đau thương vô cùng mà không phải ai cũng có thể vượt qua được tổn thương đó. Và với những đứa trẻ thì điều này càng khó khăn hơn, do đó đôi khi cách giao tiếp tiêu cực và sai cách của cha mẹ khiến con trẻ tự ti, không dám giao tiếp và lâu dần khiến chúng tin những lời nói đó dành cho mình là đúng đắn. Từ đó dẫn tới những hành động cực đoan, thiếu suy nghĩ gây nên những hậu quả khôn lường.
Theo đó, có 3 kiểu giao tiếp sai lầm dễ khiến con tổn thương cả về trí thông minh lẫn trí tuệ cảm xúc là những kiểu giao tiếp sau đây:
Cha mẹ chỉ trích con cái bằng những lời lẽ nặng nề
Nhà xã hội học người Mỹ Mori Strauss đã làm 1 cuộc khảo sát và thu về kết quả đáng kinh ngạc, trong đó cho thấy gần 90% các bậc phụ huynh đều đã từng sử dụng cách "quát mắng" để dạy con, trong đó có không ít người dùng từ ngữ nặng nề để mắng chửi con. Nhiều người cho rằng, việc mắng con sẽ đỡ hơn là đánh, nhưng trên thực tế việc mắng chửi con bằng những lời lẽ tiêu cực, xúc phạm còn đem tới nhiều ảnh hưởng hơn cả việc sử dụng đòn roi.
Theo đó, tiến sĩ Martin Teicher thuộc Đại học Y khoa Harvard cũng cho biết, những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ mắng chửi bằng những lời lẽ nặng nề có chỉ số IQ thấp hơn 12 điểm so với những đứa trẻ không phải chịu bạo lực bằng ngôn ngữ.
Có không ít các nhà khoa học cũng đã đưa ra kết quả sau khi thực hiện thí nghiệm quét não bộ của 2 đứa trẻ, trong đó một em lớn lên trong gia đình có cha mẹ ít sử dụng bạo lực ngôn ngữ và một em thường xuyên bị cha mẹ mắng chửi nặng nề. Kết quả cho thấy, thể tích não của đứa trẻ bị cha mẹ mắng chửi nhỏ hơn so với đứa trẻ còn lại. Theo nghiên cứu, thể tích não tỉ lệ thuận với sự phát triển của trí tuệ, do đó việc cha mẹ sử dụng lời nói tiêu cực khi giao tiếp với con sẽ ảnh hưởng tới trí tuệ của trẻ sau này.
Cha mẹ luôn so sánh và hạ thấp con trong giao tiếp
Hiện nay, có không ít bậc phụ huynh mắc phải thói quen không tốt này, họ luôn thấy rằng con mình chưa đủ giỏi, từ đó dẫn tới việc so sánh con mình với "con nhà người ta" hoặc luôn chỉ trích con bằng những câu nói như "bằng tuổi mày, người ta đã…". Thậm chí, nhiều cha mẹ còn cố tìm lỗi sai của con, từ đó nói những lời gây tổn thương tới lòng tự trọng của đứa trẻ.
Theo đó, bất kể những lời nói so sánh này mang ý tốt muốn khích lệ con phải cố gắng hơn nữa hay mang ý tiêu cực chỉ trích, hạ thấp con cái thì các bậc phụ huynh đều không nên sử dụng. Việc cha mẹ liên tục đem con đi so sánh, không công nhận sự nỗ lực của con, thậm chí dùng lời lẽ chê bai thành quả của trẻ dễ khiến trẻ chịu tổn thương về mặt tâm lý, lâu dần khiến đứa trẻ tin vào những lời cha mẹ nói và tự nhận mình là kẻ "vô dụng", "kém cỏi". Suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới IQ và EQ của trẻ sau này.
Việc cha mẹ giao tiếp sai cách với con sẽ đem đến hậu quả vô cùng khó lường. Để tránh tình trạng này, cha mẹ cần tinh tế khi ghi nhận những sự nỗ lực của con dù là nhỏ nhất. Thêm vào đó, cha mẹ hãy trở thành những người thầy hướng dẫn, nhìn thấy những tiềm năng của con trẻ mà vun đắp, ủng hộ để con tự tin vươn lên trở thành những người tài.
Việc cha mẹ tin tưởng và ủng hộ con một cách lý trí là tiền đề giúp con có thể bay cao bay xa sau này. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này chính là câu chuyện về người mẹ vĩ đại của nhà thiên tài Thomas Edison. Bà Nancy Elliott - người mẹ luôn dành niềm tin, tình yêu thương cho cậu con trai từng bị đuổi học vì bị rối trí (tâm thần) không thể theo học ở trường, bà tin rằng con mình nhất định có thể trở thành một thiên tài. Và chính nhờ có bà Nancy Elliott dạy dỗ và đồng hành mà nhân loại đã có một thiên tài kiệt xuất Thomas Edison.
Cha mẹ thường xuyên đổ lỗi cho con
Khi có một việc gì đó không hay xảy ra, thay vì bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân, có không ít cha mẹ ngay lập tức quy chụp và đổ mọi lỗi lầm lên con trẻ như "vì mày dùng như phá nên nó mới hỏng", "vì nuôi mày ăn học nên bố mẹ mới vất vả đi làm như này"...
Việc cha mẹ thường xuyên dùng những lời lẽ đổ lỗi cho con dễ khiến đứa trẻ cũng hình thành lên tư duy "đổ lỗi ngược", chúng cũng sẽ liên tục oán trách cha mẹ mình và tất cả những người xung quanh. Từ đó hình thành nên tính cách phản nghịch, không nghe lời cha mẹ.
Theo đó, để hạn chế và giảm tối đa việc giao tiếp sai cách này, chuyên gia tâm lý học nổi tiếng Marshall Rosenberg từng đưa ra phương pháp giao tiếp phi bạo lực (Nonviolent communication), phương pháp này rất thích hợp để áp dụng vào việc nuôi dạy con cái.
Nuôi dạy con với phương pháp "Giao tiếp phi bạo lực"
Phương pháp giao tiếp phi bạo lực hoạt động dựa trên bốn quy tắc chính là OFNR, bao gồm: Quan sát (Observation), Cảm nhận (Feeling), Nhu cầu (Need) và Yêu cầu (Request).
Phương pháp này có thể giúp các bậc phụ huynh điều chỉnh cách thể hiện cảm xúc của bản thân sao cho phù hợp, từ đó tăng khả năng lắng nghe và có hành động phù hợp với con trẻ.
Ví dụ cho phương pháp này bằng tình huống thực tế như sau: Vào một buổi chiều, khi bạn tan làm trong tình trạng mệt mỏi về tới nhà thì thấy khắp nơi đều là đồ chơi của con bày bừa. Thay vì ngay lập tức quát mắng con, cha mẹ cần áp dụng phương pháp OFNR.
Quan sát:
Không nên: "Tại sao con lại bày bừa khắp nơi như thế, con có ý thức không vậy?"
Nên: "Mẹ thấy nhà bừa bộn quá, đồ chơi của con ở khắp mọi nơi".
Cảm nhận:
Không nên: "Con bày ra như vậy làm mẹ rất mệt mỏi để nghĩ cách thu dọn đấy".
Nên: "Mẹ cảm thấy nhà bừa bộn quá, điều này khiến mẹ thấy rất mệt mỏi".
Nhu cầu:
Không nên: "Mẹ muốn đống đồ chơi này về đúng chỗ của nó".
Nên: "Hy vọng là con có thể thu dọn đồ chơi, hoặc cùng 2 mẹ con cùng dọn cho nhanh."
Yêu cầu:
Không nên: "Mẹ cho con 15 phút, tự mà dọn cho nhanh không đừng trách".
Nên: "Giờ mẹ sẽ đi nấu cơm, còn con thu dọn chỗ này hoặc 2 mẹ con cùng thu, con chọn 1 phương án nhé".
Toàn bộ quá trình giao tiếp theo phương pháp OFNR kể trên giúp người mẹ giữ bình tĩnh và có những lời nói và cách hành xử hợp tình hợp lý với con.
Nuôi dạy con cái là cả một quá trình khó khăn và vất vả, mong rằng tất cả các bậc phụ huynh có thể dành nhiều thời gian lắng nghe và thấu hiểu con nhiều hơn.