Không quên thời khốn khổ
Ảnh Hashmatullah Hayat bên những đứa trẻ đường phố theo học tại Trường Aschiana ở Kabul, Afghanistan - Ảnh: CSMonitor |
05/06/2016 14:04 GMT+7
TTO - Từng là đứa trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố, Hashmatullah Hayat có cơ may được học hành ở một tổ chức thiện nguyện. Vượt bao thăng trầm để gây dựng sự nghiệp, anh trở về mái nhà xưa giúp đỡ các em nhỏ giống mình.
Trong lúc đó, anh Hashmatullah Hayat điều hành các việc khác trong trường, thi thoảng lại giải đáp cho một trẻ nào đó chạy vào thắc mắc về bài học máy tính hay bài tập tiếng Anh.
Cảnh tượng này không khác gì những ngôi trường bình thường khác. Nhưng Aschiana là một trường đặc biệt. Và anh Hayat là biểu tượng sinh động nhất cho những gì mà ngôi trường này đang nỗ lực tạo dựng.
Những đứa trẻ đang theo học tại Aschiana đều là trẻ em đường phố. Phần lớn chúng kiếm sống bằng việc bán bóng bay cho người qua đường hoặc thu nhặt phế liệu trên các con phố vốn do những băng nhóm tội phạm hoặc các ông trùm ma túy cai quản.
Anh Hayat từng là một đứa trẻ như thế. Nhưng anh may mắn được biết tới lớp học Aschiana từ trước và có cơ hội học hội họa tại đây.
Aschiana là tổ chức hoạt động tại mọi ngõ ngách của Afghanistan, được kỹ sư Mohammed Yousef thành lập từ năm 1995. Một năm sau đó, lực lượng Taliban lên nắm quyền cai trị đất nước và chính quyền này không ủng hộ việc giáo dục với trẻ em gái, cấm phụ nữ làm việc và cô lập Afghanistan với thế giới bên ngoài.
Bất chấp điều đó, tổ chức Aschiana vẫn bí mật dạy học cho các em gái với nhiều lớp học tổ chức ở nhà dân. Là đứa trẻ 11 tuổi đang lang thang bán báo trên các con phố lúc đó, Hayat đã theo học ở trường của Aschiana, bất chấp việc ngày nào Taliban cũng tới kiểm tra.
Sau khi quân đội Mỹ can thiệp vào Afghanistan năm 2001 và lật đổ chính quyền Taliban, những bức vẽ của Hayat và những người khác được nhiều người chú ý.
Năm 2003, bà Elinor Edmunds Miller, đồng sáng lập quỹ Những người bạn của Aschiana, quyết định mang các tác phẩm của những đứa trẻ học tại Trường Aschiana sang Mỹ triển lãm. Bà tới Afghanistan mua tranh và đem bán tại Mỹ, sau đó gửi tiền bán tranh về cho Aschiana.
16 tuổi, Hayat mở một cửa hàng bán tranh do chính cậu vẽ tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Kabul. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, những người lính, nhân viên cứu trợ và giới nhà báo.
Số tiền kiếm được từ tranh đã giúp Hayat có cơ hội đầu tư cho tương lai. Năm 2008, cậu quyết định tới Ấn Độ học đại học. Sau khi tốt nghiệp, Hayat cảm thấy đã tới lúc phải đền đáp nơi đã dạy mình cách kiếm sống. Anh quyết định trở về Kabul, nộp đơn xin việc tại Trường Aschiana.
Trở thành người điều hành dự án chính của trường học đặc biệt, Hayat coi sóc mọi việc liên quan tới các lớp học, từ giáo dục cơ bản tới dạy nghề và rèn luyện thể thao. Anh cũng thường xuyên ghé thăm các trại tị nạn ở Afghanistan giám sát các chương trình đào tạo và trường học do Aschiana tổ chức.
Bà Miller nói: “Hashmatullah Hayat đã tận tụy làm tất cả những việc có thể để giúp những bé trai, bé gái và các góa phụ nghèo khổ nhất, tội nghiệp nhất ở Afghanistan".
Hiện có khoảng 5.700 học sinh được Aschiana tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản. Tại ngôi trường chính của Aschiana ở thủ đô Kabul, các lớp học có 300 trẻ em đường phố. Anh Hayat vẫn tiếp tục say sưa với đam mê nghệ thuật của mình bên cạnh công việc hằng ngày.
Các tác phẩm hội họa của anh treo khắp các bức tường với cảnh sắc vùng nông thôn Afghanistan, những khu phố xinh đẹp và chân dung những người nổi tiếng. Một số tranh được bán với giá 800 USD/bức, gấp ba lần mức lương tháng trung bình tại Afghanistan.
Anh Hayat cho rằng hầu hết vấn đề của Afghanistan đều có thể giải quyết nếu như có thể tạo được đủ việc làm và những cơ hội khác cho thế hệ trẻ.
Anh nói: “Trẻ em là tương lai của đất nước nhưng nếu không hỗ trợ đủ, các em sẽ bị lôi kéo vào những điều tiêu cực như ma túy và các băng nhóm tội phạm có vũ trang”.
Và hơn bao giờ hết, như lời của bà Wendy Summer - một người giúp đỡ lâu nay cho Aschiana, Afghanistan cần có hàng ngàn người như Hayat để góp phần xây dựng nên những thế hệ trẻ thật sự là chủ nhân mạnh mẽ của quốc gia vùng Trung Á này.
D.KIM THOA (Theo CSMonitor)