Khi học ngoại ngữ chỉ là chuyện trẻ con
Bạn có từng đau đầu về việc học ngoại ngữ? Bạn từng thử mọi cách học phổ biến như đăng ký tại các trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng, thử học các ứng dụng trên điện thoại, tập giao tiếp với người bản xứ… và có vẻ như không có cách nào thực sự hiệu quả. Vậy bạn có từng nghe hay thử qua phương pháp “học ngoại ngữ như một đứa trẻ” chưa?
Môi trường chúng ta sinh sống có vai trò định hướng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ . Vốn từ vựng của bạn, cách bạn nói hay thậm chí ngôn ngữ bạn sử dụng đều được hình thành từ khi bạn còn là trẻ sơ sinh. Nếu một đứa trẻ Pháp sinh ra và lớn lên tại Việt Nam thì tiếng Việt sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức của nó và ngược lại. Nghiên cứu của đại học Helsinki tại Phần Lan chỉ ra rằng trẻ sơ sinh đã học được cách giao tiếp thông qua các thành viên trong gia đình ngay từ thời kỳ thai nhi. Độ khoảng 4 tuổi, trẻ đã có thể giao tiếp khá thuần thục như người lớn. Vậy cách học ngoại ngữ như một đứa trẻ là thế nào ? Đó là cách học chú trọng vào bốn kỹ năng chính mà trẻ sử dụng trong quá trình hình thành ngôn ngữ của mình: “Lắng nghe”; “Lặp lại”; “Phạm sai lầm” và cuối cùng là “Sự trải nghiệm ngôn ngữ”.
1. Lắng nghe
Trọng tâm của quá trình học nói của trẻ là sự lắng nghe. Một đứa trẻ dành ra cả 1 năm đầu đời để nghe người lớn trò chuyện và dần dần hình thành các khái niệm về sự vật, hiện tượng và cảm xúc. Thế nhưng, kỹ năng nghe thường không được người lớn đánh giá cao trong việc học ngôn ngữ. Trên thực tế, chúng ta thường dành ra khoảng 50% cuộc giao tiếp cho việc lắng nghe. Lắng nghe giúp chúng ta hiểu được thông điệp người nói, học được từ ngữ, biết cách diễn đạt như người bản xứ và còn thể hiện sự tôn trọng của chúng ta dành cho đối tượng giao tiếp. Vì vậy, hãy tập lắng nghe và chỉ tập trung vào việc lắng nghe, tương tự như khi đứa trẻ chưa biết đi, chúng dành toàn bộ thời gian để nghe ba mẹ nó trò chuyện.
Phương tiện học tập: Internet, Âm nhạc, Phim ảnh…
2. Lặp lại
Khi còn nhỏ, bạn có thường chăm chú vào những đoạn quảng cáo hay nghe đi nghe lại một bài nhạc? Sự hứng thú với quảng cáo và âm nhạc của những đứa trẻ không chỉ bởi những hình ảnh sinh động, âm thanh vui tai mà còn bởi các từ ngữ luôn được lặp đi lặp lại. Giải thích theo góc độ tâm lý, chính việc tác động lặp đi lặp lại của thông tin vào não đã tạo nên những đường mòn dấu vết trên não, làm cho ký ức được hình thành. Thông tin càng được lặp đi lặp lại nhiều lần thì não sẽ càng nhớ lâu hơn. Chính vì vậy cho đến tận bây giờ, bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bảng cửu chương hay đơn giản hơn là bảng chữ cái. Bằng chứng là giờ đây, bạn có thể đọc được nhửng dòng chữ này, hiểu hết ý nghĩa của nó và nhận ra chữ “nhửng” được viết bằng dấu hỏi chứ không phải là dấu ngã. Sự lặp lại sẽ khiến một ngoại ngữ trở thành ký ức của chúng ta, vậy sao bạn không bổ sung việc lặp lại vào kỹ năng học ngoại ngữ của mình?
Phương tiện học tập: Âm nhạc, Sách báo, Tập nói…
3. Phạm sai lầm
Mỗi đất nước đều có những câu ca dao, tục ngữ riêng về sự sai lầm. Ở Mỹ ta có thành ngữ “Making mistakes is better than faking perfection” ( Phạm sai lầm còn tốt hơn là làm giả sự hoàn hảo”, Việt Nam thì có câu “Thất bại là mẹ thành công”, ở Nhật lại có “猿も木から落ちる”(Khỉ cũng ngã từ trên cây). Nhìn chung, tất cả các quốc gia đều khuyến khích con người phạm sai lầm. Thế nhưng, khi học ngôn ngữ, chúng ta rất ít dám thể hiện cái sai của mình. Kể từ trường học dạy chúng ta rằng, phạm sai lầm đồng nghĩa với điêm số thấp, chúng ta cảm thấy kinh sợ việc mắc lỗi. Thế nhưng đối với một đứa bé, khi nó chỉ con mèo và gọi đó là “chó”, chúng ta mỉm cười và sửa sai cho chúng. Vậy tại sao người lớn chúng ta không thử vứt bỏ cái tôi và phạm sai lầm? Dám thử và dám sai là con đường ngắn nhất giúp bạn tự tin trong giao tiếp với người bản xứ và thuần thục một ngoại ngữ
Phương tiện học tập: Giao tiếp, Chat với người bản xứ, Xung phong phát biểu trong giờ ngoại ngữ…
4. Sự trải nghiệm ngôn ngữ
Nếu một thông tin trong não không được sử dụng, dần dần nó sẽ được dọn sạch khỏi ký ức của ta. Ngoại ngữ cũng hoạt động theo quy tắc tương tự như vậy. Một đứa trẻ có thể đi từ việc bập bẹ “babaa” sang sử dụng những câu phức tạp như “Mẹ ơi, đồ ăn hôm nay có mùi thiu thiu” là nhớ nó được sống trong chính ngôn ngữ ấy. Cả gia đình, bạn bè thầy cô, từ phim ảnh đến sách báo, tất cả mọi nơi đều sử dụng ngôn ngữ như là công cụ giao tiếp chính thức. Vì vậy, người lớn, hãy “đắm chìm” vào việc học ngoại ngữ: tập xem phim với phụ đề ngôn ngữ mà bạn đang theo học, đổi ngôn ngữ trên máy tính hay điện thoại của bạn phù hợp với ngoại ngữ ấy (bạn có thể đổi lại tiếng mẹ đẻ trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần nhớ lựa chon tùy chỉnh ngôn ngữ nằm ở đâu), hãy thử google những thông tin mà bạn cần tìm kiếm bằng ngôn ngữ bạn đang muốn thuần thục. Đây cũng là bước cuối cùng trong phương pháp “học ngoại ngữ như một đứa trẻ”.
Phương tiện học tập: Bất cứ nơi nào mà bạn có thể tiếp xúc với ngoại ngữ ấy.
Ngoại ngữ giờ đây đang trở thành một đề tài rất “hot” trong xã hội bởi nó là công cụ giúp bạn mở rộng cơ hội và thành đạt trong tương lai. Vậy nên hãy bổ sung thêm phương pháp “Học ngoại ngữ như một đứa trẻ” vào sổ tay kỹ năng của mình bạn nhé !
Tấn Đạt
Nguồn tham khảo:
Learning-induced neural plasticity of speech processing before birth
Listening: Our Most Used Communication Skill
Nguồn sưu tập: Công Ty TNHH Tư vấn và đào tạo cân bằng
Ghi Chú:
Nguồn từ Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Cân bằng. Bài viết có tư duy tốt,
rất hữu ích cho bạn bè trong cuộc sống hiện nay. *Khanhnguyen' s Blog*
xin chia sẽ lại cùng các bạn bè trên Diễn đàn Mạng Xã hội