Breaking News

Cuộc đời Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ngày 19/5/2001 gia đình nhạc sĩ hoàn tất khu vườn mộ thật phiêu bồng lãng mạn. Ngày xưa, anh thích bạn bè, cây cỏ, đất trời thì nay, nơi anh dừng bước cũng cây cỏ và lồng lộng gió. Bạn bè của nhạc sĩ sẽ đến đây để ngồi ca hát hay lặng yên nhớ về những kỷ niệm cùng anh, hoặc chiêm nghiệm về cõi đời hư thực (21/5/2001)
Vườn mộ của anh tại nghĩa trang Gò Dưa, TP HCM.
giaitri.vnexpress.net, 1/4/2016

Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn trở thành bất hủ


Mỗi năm, đến ngày giỗ Trịnh, gia đình, bạn bè, người hâm mộ đều tổ chức các chương trình tưởng nhớ ông. Năm nay, 15 năm nhạc sĩ đi xa, các hoạt động có phần rầm rộ hơn. Mỗi người yêu nhạc Trịnh đều có những lý do riêng để duy trì tình yêu của họ.
Nhà thơ Anh Ngọc là một trong những người "yêu điên cuồng" nhạc Trịnh hơn 40 năm qua. Tình yêu đó bắt đầu từ ngày 30/4/1975, khi ông là phóng viên của báo Quân Đội, nằm trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn. "Tôi ra chợ Bến Thành mua cái cassette nhỏ bằng bàn tay, người bán hàng lắp cho tôi cuốn băng phát thử, đó là cuốn Hát cho quê hương Việt Nam số 5 của Khánh Ly hát nhạc Trịnh", nhà thơ kể. Với băng nhạc đó, ông một mình vào doanh trại bỏ không của Sư đoàn thủy quân lục chiến trong thành phố, kê hai cái bàn lại với nhau và cứ thế nằm ngửa bật quạt trần nghe.
"Trong trái tim của tôi có hai nửa, một nửa là con người chung, con người công dân, hướng tới mọi người, nửa còn lại do điều kiện chiến tranh tôi phải đóng kín - đó là con người cá nhân, riêng tư. 30/4, trong cuộc đoàn tụ của cả dân tộc, nhạc Trịnh đấm một cú mở toang cánh cửa đó. Với sự đánh thức của nhạc Trịnh, tôi sống bằng trái tim đầy đủ".
Nhà thơ khẳng định cái riêng tư trong nhạc Trịnh lại chính là cái phổ cập ở mọi con người bình thường chứ không riêng ai. "Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua 'cái' một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi", nhà thơ nói.
Với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn, nhạc Trịnh hấp dẫn ông từ tuổi học trò cấp ba, rồi trở thành niềm say mê khi ông là sinh viên Văn khoa và ngày càng sâu đằm theo thời gian. Theo ông, say mê hồi trẻ chỉ là của một người yêu nghệ thuật, mê ca hát, thấy nhạc Trịnh hợp với sở thích của mình. Còn giờ, là kiểu say mê của một người nghiên cứu nghệ thuật. Ông nhận định: "Càng ngày càng nhận thấy rõ các giá trị lớn của di sản Trịnh Công Sơn, một di sản không chỉ là âm nhạc". vi-sao-nhac-trinh-cong-son-tro-thanh-bat-hu Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.
Ảnh PvĐ: tcs-home.org
Có nhiều giá trị làm nên sự bất hủ của nhạc Trịnh.
Nhà thơ Anh Ngọc cắt nghĩa, về khía cạnh lý trí, Trịnh Công Sơn có một cái đầu tràn ngập tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Nhờ trụ trên xương sống triết học nên tác phẩm có tính vĩnh cửu. Về trái tim, Trịnh Công Sơn là người chỉ lắng nghe trái tim mình. "Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác nên trái tim đó cháy sáng lên, như Maxim Gorky từng nói: 'đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ'. Trái tim ấy luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau. Nhạc Trịnh Công Sơn vĩ đại chỗ đó, phản ứng trung thực nhiều bình diện của cuộc sống, có thể gọi đó là tập đại thành về cõi đời này".
Theo Anh Ngọc, với 600 ca khúc trong đó hàng trăm bài được mọi người thuộc và hát, hàng chục bài bất hủ, hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các trạng huống của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống. Với ông, đó là cuốn bách khoa toàn thư về thế giới tinh thần, là tri âm tri kỷ, là thuốc giảm đau lúc buồn nhất. Nhà thơ cho rằng nhạc Trịnh nghe trên sân khấu hay đã đành, nhưng hay không kém là chúng ta tự hát một mình. "Nó chẳng khác gì một người bạn, là bạn của tất cả trái tim, đặc biệt những trái tim đau đớn, mất mát, tuyệt vọng".
Bên cạnh những ca khúc về tình yêu và thân phận, Anh Ngọc nói mảng ca khúc Da vàng lay động những người lính như ông, bởi nó là tiếng khóc dài trước những thân phận trong chiến tranh, của một con người vì quá yêu thương con người, dân tộc mà đau.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng Trịnh Công Sơn thuộc mẫu nghệ sĩ đa tài, mẫu ba trong một: nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ. Chu Văn Sơn cắt nghĩa: "Nhạc Trịnh giản dị dễ hát, ca khúc nào của anh Sơn cũng là những giai điệu đầy chân cảm, ca từ nào của anh ấy cũng là một bài thơ, tâm trạng chuyển tải trong ca khúc không chỉ là tâm trạng tình nhân mà còn là trạng thái nhân thế của thời đại. Vì thế nó rất dễ đi vào lòng người. Nhưng, chỉ âm nhạc không thôi, không thể tạo sức sống lớn đến thế. Tôi tán thành ý kiến của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tri kỷ đặc biệt của anh Sơn, rằng: có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Đúng thế, Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt".
Nhà phê bình chia sẻ ông khó có thể kể ra ca khúc nhạc Trịnh yêu thích nhất. "Nhạc Trịnh hay khá đồng đều trên cả hai mảng chính trước đây là tình ca và phản chiến, trên cả ba chủ đề xuyên suốt là thân phận, quê hương và tình yêu. Ca khúc nào cũng được viết giản dị nhưng đều là những giai điệu vút lên từ tâm can máu huyết, nên ca khúc nào cũng là một mảnh hồn Trịnh, một ký thác Trịnh. Nó khiến cho ai đã yêu ông dường như đều phải yêu đủ, yêu trọn. Và thật khó khăn khi phải nói 'không' với ca khúc nào đó".
Có nhiều thế hệ từ Khánh Ly vẫn nối nhau hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Trong chương trình diễn ra tối 2/4, nhiều thế hệ hát nhạc Trịnh gồm Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Quang Dũng, ca sĩ nhí Huyền Trân đứng chung sân khấu để tưởng nhớ nhạc sĩ. Sự tiếp nối cho thấy nhạc Trịnh vẫn tiếp tục chảy trong đời sống.
Khánh Ly chia sẻ bà hát nhạc Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản vì yêu. "Tôi cũng như cỏ cây ấy, cơn mưa xuống thì nó mọc. Với tôi, nhạc Trịnh như lời an ủi, chia sẻ trong đời sống của mình. Tôi mong mỏi mọi người cũng như tôi, tìm thấy mình trong những ca khúc đó. Ông ấy không viết riêng cho ai đâu, ông ấy viết cho chúng ta. 'Em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình minh', đó là lời ông ấy nhắn nhủ tất cả chúng ta đấy".
Nữ danh ca khẳng định từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại, không có điều gì làm cho bà chán mà nghĩ đến việc thôi hát Trịnh Công Sơn. "Tôi sẽ hát cho tới khi không hát được nữa".
Khánh Ly và Hồng Nhung sẽ đứng chung sân khấu hát nhạc Trịnh
Hồng Nhung chia sẻ cô yêu thích nhạc Trịnh từ khi mới là thiếu nhi. Cô biết ơn khi được trưởng thành cùng âm nhạc và con người nhạc sĩ nên mong muốn dành tình cảm, sự thăng hoa để thể hiện âm nhạc đó đến mọi người. Với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn là người thầy, người bạn mà cô may mắn được gắn bó trong 10 năm cuối cuộc đời nhạc sĩ. Hồng Nhung nói: "Trịnh Công Sơn dặn khi ra đường thấy ai vẫy tay với mình thì hãy vẫy tay lại, hãy dành lòng tốt cho cuộc đời bởi không biết ngày sau có còn gặp nhau không. Đời sống nỗi buồn nhiều hơn và âm nhạc của anh cũng có điều đó nhưng nó lại luôn hướng tới niềm vui, những điều đẹp đẽ. Lúc nào anh cũng cổ vũ mọi người hãy yêu nhau đi".
Theo nữ ca sĩ, nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với đời sống người yêu nhạc ông nên mới có chuyện ngày xưa sinh viên đại học có trò xem bói bằng nhạc Trịnh. Với cô, mỗi thời đoạn cuộc sống khác nhau lại thấy phù hợp những bài hát khác nhau. "Hiện nay tôi cảm thấy yêu đời, biết ơn đời sống dành cho mình rất nhiều trong cả sự nghiệp âm nhạc và cuộc sống gia đình nên thích những bài hát viết về người mẹ hay hướng tới điều tốt trong mỗi ngày sống như Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Mưa hồng...". Hồng Nhung tiết lộ đó là những ca khúc cô vẫn hát thầm mỗi ngày.
Hồng Nhung tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ không thành lịch sử mà tiếp tục đi cùng các thế hệ Việt Nam. Cô nhìn thấy tình yêu không đổi ở khán giả, từ thời Trịnh Công Sơn còn trẻ vác guitar gỗ đi các trường đại học cùng Khánh Ly hay giờ đây ở trường đại học thời đại internet, nhạc Trịnh vẫn vang lên như vậy.
Người nghe thì có nhiều lựa chọn. Với nhiều người, chỉ Khánh Ly mới làm nên nhạc Trịnh. Nhà thơ Anh Ngọc gọi mối quan hệ giữa nhạc sĩ họ Trịnh và nữ danh ca là "mối lương duyên có một không ai của âm nhạc Việt Nam". Ngoài Hồng Nhung, Quang Dũng được đánh giá thể hiện tốt một số bài, với nhà thơ Anh Ngọc, người có thể hát nhạc Trịnh hay thứ hai sau Khánh Ly chính là Trịnh Công Sơn.
Với nhà phê bình Chu Văn Sơn, ông thừa nhận Khánh Ly là "ca sĩ lớn, thậm chí là ca sĩ vô song về hát nhạc Trịnh" nhưng ông cũng khá cởi mở để đón nhận những ca sĩ sau này như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương hay Giang Trang... làm mới nhạc Trịnh Công Sơn. Theo ông, đây cũng chính là điều nhạc sĩ họ Trịnh khi còn sống mong muốn. "Mỗi ca sĩ ấy đem lại, hay đúng hơn, là tô đậm cho nhạc Trịnh ở một vẻ đẹp nào đó. Vì thế mà nhạc Trịnh được sống với nhiều bình diện, thậm chí nhiều đời sống. Tôi lấy ví dụ, thể hiện vẻ đẹp của trải nghiệm trong nhạc Trịnh, thì khó ai qua được Khánh Ly, vẻ đẹp sang trọng khó ai bì được Mỹ Linh, vẻ đẹp tươi tắn khó ai bằng Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, vẻ đẹp mê mị khó ai sánh được Tùng Dương, Thanh Lam, còn vẻ đẹp an nhiên thì các anh tài khác có thể phải nhường Giang Trang...".
Trong cuộc trò chuyện về nhạc Trịnh, nhà thơ Anh Ngọc nhắc tới câu nói của Trịnh Công Sơn, đại ý con người ta hãy sống làm sao để "khi sống thì đầy ắp sự có mặt, còn khi mất đi thì đầy ắp sự vắng mặt". Trịnh Công Sơn đã làm được điều đó. Sự hiện diện của ông không phải bằng thể xác mà trong nỗi nhớ của hàng triệu người yêu nhạc Trịnh, trong ngày hôm nay - 1/4.
Anh Sa

Ai là người phụ nữ “đặc biệt” nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Họ là mối tình đầu, là những “nàng thơ” trong âm nhạc của người nhạc sĩ tài ba.

Ngô Vũ Bích Diễm

Ca khúc Diễm xưa được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1960 đã trở bản tình ca làm say lòng bao thế hệ khán giả mộ điệu. Bài hát được vị nhạc sĩ tài hoa lấy cảm hứng từ “tình yêu đầu thầm lặng” dành cho “nàng thơ” – Ngô Vũ Bích Diễm, một cô gái Hà Nội theo gia đình vào Huế sinh sống.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-1

Ca khúc "Diễm xưa" là bài hát nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về "nàng thơ" - Bích Diễm.

"Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết lại như vậy về Diễm.
Trong mối tình với Diễm, Trịnh dường như chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm, và Diễm cũng vì cách trở mà không giám đáp lại tình cảm của Trịnh. Có lẽ mối tình ấy đẹp như một nụ hoa mãi e ấp.
Tâm sự với báo giới, “Diễm xưa” thừa nhận mình người phụ nữ ít nói, sống đơn giản: “Suốt thời gian qua tôi chọn cách im lặng vì cái bóng của anh Trịnh quá lớn và Diễm xưa đã đi vào huyến thoại” – bà chia sẻ.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-2

Diễm của hôm nay trong một lần trở về Việt Nam gần đây nhất.

Nếu như với Trịnh Công Sơn, "Diễm xưa" là mối tình đầu day dứt đến nao lòng, khó quên nhưng mỗi khi nghĩ đến là đau cả “tâm gan” thì với bà Bích Diễm những ngày tháng gặp Trịnh Công Sơn tại Huế là những kỷ niệm đẹp và là một tình yêu bất tận của thời thanh xuân: “Từ khi anh Sơn mất, tôi rất ít về Huế vì có quá nhiều kỷ niệm, có lẽ linh hồn tôi đã gửi trọn vào Huế, những tháng ngày đó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại” – bà tâm sự.

Ngô Vũ Dao Ánh

Có rất nhiều “bóng hồng” bước qua cuộc đời của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhưng cô gái Huế luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Bà chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên những ca khúc nổi tiếng nhưCòn tuổi nào cho em, Lặng lẽ nơi này, Mưa hồng, Tuổi đá buồn...
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-3

Dao Ánh năm 16 tuổi, phía sau là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Dao Ánh là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm - nhân vật chính trong ca khúc Diễm xưa. Khi mối tình Trịnh - Diễm không thành, Dao Ánh đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn. Tình cảm chân thành của cô gái 15 tuổi đã khiến cho chàng nhạc sỹ 24 tuổi rung động. Trịnh Công Sơn đã viết thư lại và đó là khởi đầu cho một mối tình kéo dài gần 4 năm giữa họ (từ 1964 - 1967).
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-4

Chị em Bích Diễm và Dao Ánh.

Trong thời gian yêu nhau, Dao Ánh còn đang là cô nữ sinh của trường Đồng Khánh, Trịnh Công Sơn lúc này đã viết cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư tình: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh , nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...” - trích bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh ngày 16/2/1965.
Sau gần 4 năm gắn bó, Trịnh Công Sơn biết rằng không thể cho Dao Ánh một mái ấm gia đình nên ông chủ động chia tay. Trong bức thư chia tay, nhạc sỹ họ Trịnh viết: "Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…".
Sau cuộc tình đẹp nhưng cũng đầy xót xa với Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đã sang Mỹ và lập gia đình. Bà vẫn giữ liên lạc với gia đình người nhạc sỹ này. Vào năm 1993, Dao Ánh trở về Việt Nam và tìm gặp lại người cũ. Trịnh Công Sơn cũng đã viết ca khúc Xin trả nợ người để tặng bà. Sau cuộc tái ngộ này, Dao Ánh đã ly dị chồng.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-5

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn ngày gặp lại...

Những ngày cuối đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bị ốm nặng, Dao Ánh cũng trở về Việt Nam chăm sóc ông. Bà cũng đã gửi tặng lại gia đình nhạc sỹ này hơn 300 bức thư tình mà ông đã gửi cho bà thuở còn yêu nhau.

Khánh Ly

Khánh Ly là người phụ nữ có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Sự xuất hiện của Khánh Ly đã tạo nên một làn gió đầy sức sống cho nhạc Trịnh trước năm 1975.
Đến nay, có thể thấy Khánh Ly là người đàn bà duy nhất hát và tạo ra một hình hài hoàn thiện mang đủ tất cả những sắc thái tinh thần trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Khánh Ly cùng Trịnh ca đã trở thành một hiện tượng của cả nền âm nhạc miền Nam thời bấy giờ.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-6

Khánh Ly là người phụ nữ có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Nhớ lại kỉ niệm với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly chia sẻ: “Tình cảm vợ chồng có lúc còn gãy đổ vì chưa chắc đã ăn đời ở kiếp với nhau. Tình yêu đôi khi chỉ một - hai năm đầu. Anh em cũng dễ khúc mắc. Nhưng tôi với Trịnh thì không hề xảy ra chuyện gì cả, là bởi vì giữa hai người là tình cha con, không ai có thể lên án hay xuyên tạc".
Sau năm 1975, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn phải cách biệt nửa vòng trái đất. Tuy nhiên khi đã sang xứ người, Khánh Ly vẫn tiếp tục cất cao tiếng hát về tình yêu, thân phận của Trịnh Công Sơn như một lời tri ân với người nhạc sĩ tài hoa đã giúp bà được biết đến rộng rãi.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-7

Khánh Ly từng chia sẻ: "Giữa tôi và Trịnh Công Sơn là tình cha con".

Khi hay tin Trịnh Công Sơn mất, ở bên Mỹ, Khánh Ly bị sốc và phải đi cấp cứu. Sau này bà chia sẻ về khoảnh khắc đau thương đó: “Trịnh Công Sơn có thể có những giây phút không nhớ đến tôi, nhưng riêng tôi lúc nào cũng nhớ đến anh. Bởi như tôi đã nói, anh là một nửa đời sống của tôi”.
Ở tuổi 72, Khánh Ly vẫn rất chú ý tới hình ảnh. Bà trang điểm cẩn thận, mặc một chiếc áo dài và khoác khăn quàng rực rỡ, mỗi tay đều đeo vòng và nhẫn ngọc. Trên cổ có một dây chuyền với hai chiếc nhẫn cưới giản đơn lồng vào nhau. Giọng ca gốc Hà Nội chia sẻ, sau khi chồng mất, bà tháo nhẫn cưới của hai người ra vào đeo chúng lên.Trải qua những giông bão và truân chuyên không ít trong đời môt người đàn bà, ở độ tuổi thất thập, Khánh Ly hi vọng sẽ cháy hết mình trong lần tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa này, đồng thời tiếp thêm lửa cho nhạc Trịnh cháy và sống mãi.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-8

Khánh Ly năm nay đã 72 tuổi.

Hồng Nhung

Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn vào năm cô vừa tròn 20 tuổi, và đó chính là dấu mốc tạo nên một mối lương duyên vô cùng đẹp, cũng là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung.
Với cách thể hiện mới lạ, Hồng Nhung đã làm sống lại nhạc Trịnh trong giai đoạn đổi mới của đất nước. "Bông hồng nhỏ" cũng là người thể hiện những ca khúc của Trịnh Công Sơn nhiều nhất trong những năm 1990 - 2000.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-9

Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn vào năm cô vừa tròn 20 tuổi.

Nói về “nàng thơ” thuở nào, Trịnh Công Sơn lúc sinh thời đã dành cho cô những đánh giá cao: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại. Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.
Giữa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn, không chỉ có âm nhạc mà còn có cả một “cuộc tình” như lời Trịnh Công Sơn từng nói: "Hồng Nhung là một người quá gần gũi, không biết phải gọi là ai”.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-10

Trịnh Công Sơn từng nói: "Hồng Nhung là một người quá gần gũi, không biết phải gọi là ai”.

Bản thân diva cũng từng khẳng định mối nhân duyên giữa mình và vị nhạc sĩ tài hoa: “Anh nghĩ tôi và anh quá thân để không biết gọi là ai. Bạn thì anh thân hơn là bạn, thầy thì anh thân hơn là thầy. Và ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình".
Mối thâm tình trong âm nhạc giữa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn cho đến giờ vẫn là một cuộc tình đẹp hiếm hoi. Chính vị nhạc sĩ tài hoa này đã viết tặng Hồng Nhung Thuở bống là người và từ đó cô đã gắn liền với biệt danh này. Vì thế, với nhiều người sau Khánh Ly, em gái Trịnh Vĩnh Trinh thì giọng ca Hồng Nhung được coi là người phù hợp với nhạc Trịnh nhất.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-11

Mối thâm tình trong âm nhạc giữa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn cho đến giờ vẫn là một cuộc tình đẹp hiếm hoi.

Cẩm Vân

Giống như Hồng nhung, Cẩm Vân đã có sự đổi mới so với thế hệ trước 1975 khi thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Với chất giọng khỏe khoắn, trầm ấm, Cẩm Vân thổi vào nhạc Trịnh một luồng gió mới với cách thể hiện hiện đại, tươi mới và mang màu sắc trẻ trung, bớt sầu bi hơn hơn so với những bậc tiền bối trước đó.
Ai-la-nguoi-phu-nu-dac-biet-nhat-trong-cuoc-doi-nhac-si-Trinh-Cong-Son-12

Cẩm Vân yêu mến và quý trọng Trịnh Công Sơn như một người thầy đã truyền cho nữ ca sĩ niềm đam mê với âm nhạc.

Cẩm Vân từng chia sẻ lần đầu hát nhạc Trịnh lúc 11 tuổi, đi học đạp xe hát Nối vòng tay lớn. Lần đầu hát trên sân khấu cách đây hơn 30 năm với bài hát Diễm xưa – do chính nhạc sĩ hướng dẫn.
Trong tâm trí mình, Cẩm Vân luôn dành cho người nhạc sĩ tài hoa này rất nhiều tình cảm, sự trân trọng và quý mến như một người học trò dành cho người thầy đã dìu dắt và mang đến cho mình niềm đam mê trong âm nhạc.
Ý Yên - Ảnh: TH (TT&VH)




Popular Posts